Đối thoại giữa nhà nước và các thành phần kinh tế về thu hút vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường

Thứ 3, 25/09/2018, 02:50 GMT+7

Cách huy động nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường chủ yếu từ nguồn ngân sách và viện trợ nước ngoài (ODA) như hiện nay vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế, đòi hỏi phải có những giải pháp mới để có thể thu hút đầu tư cũng như sử dụng vốn đầu tư một cách hiệu quả trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

​Ba mươi năm qua, Việt Nam được thế giới chú ý nhiều nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, hai từ “Đổi mới” được thế giới nhắc nhiều khi nói về Việt Nam. Tuy nhiên hệ lụy của sự tăng trưởng kinh tế nhanh cùng với sự gia tăng dân số, cường độ phát thải nước và rác thải của nước ta đang ngày càng lớn, và dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng trong thập kỷ tới. Bối cảnh đó đòi hỏi nước ta phải phân bổ lại nguồn lực, trong đó cần chú trọng vào đầu tư cơ sở hạ tầng môi trường cho thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn, công tác quan trắc môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Với vai trò cung ứng các dịch vụ công nói chung, dịch vụ môi trường nói riêng, Nhà nước luôn là người chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc đảm bảo tài chính để cung ứng các dịch vụ nói trên. Tuy nhiên, với cách huy động nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường chủ yếu từ nguồn ngân sách và viện trợ nước ngoài (ODA) như hiện nay vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Theo dự báo, từ nay đến năm 2020, nước ta cần huy động một lượng vốn đầu tư khoảng 150 - 160 tỷ USD để thực hiện thành công kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đặt ra, tạo sự đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế. Tuy nhiên, các nguồn vốn đầu tư Nhà nước từ trước tới nay chỉ có thể đáp ứng 50% nhu cầu, do ngân sách Nhà nước chỉ có mức tăng nhất định, vốn ODA ưu đãi sẽ giảm dần vì nước ta đã là nước có thu nhập trung bình và đặc biệt công nợ của Chính phủ như ODA, trái phiếu Chính phủ và các khoản vay khác có bảo lãnh của Chính phủ bị hạn chế ở mức nhất định so với tổng GDP, không được vượt quá mức hạn an toàn nhằm đảm bảo duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhằm tạo cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước và các thành phần kinh tế tham gia vào các lĩnh vực đầu tư cho bảo vệ môi trường cùng nhau thảo luận, đề xuất các giải pháp để có thể thu hút đầu tư cũng như sử dụng vốn đầu tư một cách hiệu quả trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sáng 21/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Môi trường tổ chức Hội thảo “Đối thoại giữa nhà nước và các thành phần kinh tế về thu hút vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam giai đoạn 2017-2025”. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng tham dự và chủ trì hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm từ trong quá trình triển khai các hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là các thuận lợi, rào cản hiện nay đối với các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư trong công tác bảo vệ môi trường; thống nhất các giải pháp để tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các cơ quan liên quan, các địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Theo các đại biểu, kinh nghiệm thực tiễn và cả lý thuyết chỉ ra rằng không nhất thiết nhà nước phải là người cung cấp trực tiếp các dịch vụ công đến người người dân. Ngoài việc cung cấp trực tiếp các dịch vụ công, nhà nước còn có thể phối hợp với tư nhân, với cộng đồng hoặc các đối tác khác để thực hiện nhiệm vụ này.

Nhận thức được điều đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều định hướng, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, như Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị; Luật Bảo vệ môi trường 2014; nhiều văn bản dưới luật như Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Việt Nam cũng đã có những chính sách mở cửa thị trường thu gom và xử lý chất thải cho nhà đầu tư tư nhân, trong đó có đầu tư nước ngoài. Theo đó, Nhà nước cũng khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp dịch vụ môi trường, khuyến khích ap dụng cơ chế PPP trong các lĩnh vực như thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ môi trường. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập quỹ bảo vệ môi trường; khuyến khích phát triển các dịch vụ môi trường, cụ thể là đầu tư cơ sở hạ tầng môi trường được phép triển khai theo hình thức PPP bao gồm hệ thống thoát nước; hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải; hệ thống cung cấp nước sạch…

Bên cạnh đó, mặc dù nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường, bao gồm hệ thống văn bản về ngân sách, đầu tư, khuyến khích đầu tư, và hệ thống văn bản quản lý chất thải, tuy nhiên vẫn tồn tại các bất cập liên quan đến các văn bản pháp lý này. Hệ thống văn bản này vẫn còn chồng chéo, và còn thiếu các văn bản hướng dẫn chi tiết, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện. Các quy định liên quan đến thúc đẩy thị trường xử lý chất thải, đặc biệt là cơ chế giá vẫn chưa thực sự tháo gỡ cho doanh nghiệp. 

>>Xem thêm: Đối thoại giữa nhà nước và các thành phần kinh tế về thu hút vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Môi trường (VEA)

 

Ý kiến bạn đọc