Đồng Nai: Gỡ vướng để giảm tỷ lệ chôn lấp rác sinh hoạt

Thứ 3, 10/04/2018, 05:01 GMT+7

 

Nâng tỷ lệ rác xử lý theo hình thức chôn lấp

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, theo Nghị quyết của HÐND tỉnh, đến cuối năm 2017, Ðồng Nai sẽ đưa tỷ lệ rác thải sinh hoạt được xử lý theo hình thức chôn lấp xuống dưới mức 15% để đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, tỷ lệ chôn lấp rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức khoảng 63%. Ðặc biệt, từ đầu tháng 2-2018, tỷ lệ này đã tăng lên 85% do Công ty CP môi trường Ðồng Xanh (Công ty Ðồng Xanh, TP. Biên Hòa) ngưng hoạt động để di dời về khu xử lý rác ở xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu). Do đó khoảng 200 tấn rác sinh hoạt trên địa bàn TP. Biên Hòa được đưa về khu xử lý rác Vĩnh Tân để chôn lấp.


 Đồng Nai phấn đấu trong năm 2018 giảm tỷ lệ rác thải sinh hoạt xử lý theo phương pháp chôn lấp xuống dưới mức 50%.

Từ tình hình thực tế trên, lãnh đạo tỉnh đã đồng ý nâng tỷ lệ rác thải sinh hoạt được xử lý theo hình thức chôn lấp trong năm 2018 về mức dưới 50%.Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, dù đã được nâng tỷ lệ, song để đạt được mục tiêu dưới 50% rác thải sinh hoạt được xử lý theo hình thức chôn lấp, đòi hỏi 8 khu xử lý rác tập trung trên địa bàn tỉnh phải nhanh chóng hoàn thành thi công các lò đốt và công nghệ xử lý rác.

Tuy nhiên, theo các chủ đầu tư, việc thi công các lò đốt hiện đang gặp một số khó khăn và phải đến đầu tháng 6-2018 mới có thể đưa các lò đốt đi vào hoạt động. Riêng dây chuyền chế biến phân compost của Công ty Ðồng Xanh tại Khu xử lý rác Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) đến tháng 7 tới mới có thể bắt đầu hoạt động. “Hiện chúng tôi đã ký hợp đồng với đối tác để xây dựng nhà xưởng ở Vĩnh Tân, làm thủ tục nhận đất và làm việc với Trung tâm giám định đánh giá thiết bị nhà xưởng để di dời nhà máy ở phường Trảng Dài. Dự kiến, cuối tháng 7 nhà máy mới sẽ đi vào hoạt động”, Phó tổng giám đốc Công ty Ðồng Xanh Nguyễn Văn Cung cho biết.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV thương mại - môi trường Thiên Phước, chủ đầu tư khu xử lý rác tại huyện Cẩm Mỹ cho hay, dù các thiết bị lò đốt đã được nhập về song doanh nghiệp chưa thể lắp đặt để vận hành. Theo Giám đốc công ty Nguyễn Ngọc Bé, do doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống lò đốt trên phần đất trước đây được quy hoạch làm bãi chôn lấp nên phải tiến hành điều chỉnh quy hoạch cục bộ, điều đó đã ảnh hưởng đến tiến độ lắp đặt. Theo ông Bé, doanh nghiệp đầu tư lò đốt 3 tấn/giờ. Hiện Sở Khoa học- công nghệ đã thông qua, Hội đồng thẩm định Bộ TN- MT cũng đã phê duyệt. Nhưng khi doanh nghiệp xin giấy phép thì Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết đang có văn bản xin ý kiến các sở, ban, ngành mới cấp được giấy phép đầu tư. Giấy phép xây dựng thì Sở Xây dựng cũng cho biết phải xin ý kiến các thành viên mới cấp giấy phép. “Nhà xưởng chúng tôi đã làm nhưng không dựng được vì chưa có giấy phép, lò đốt cũng triển khai nhưng không có nhà xưởng nên không dựng được lò đốt”, ông Bé cho hay.

Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các lò đốt rác, các sở, ngành cần tích cực phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, đặc biệt thủ tục về xây dựng. “Phấn đấu đến cuối tháng 6-2018 sẽ đưa các lò đốt rác sinh hoạt vào vận hành. Riêng Công ty Ðồng Xanh phải giữ đúng cam kết hoạt động vào cuối tháng 7 để giảm tỷ lệ rác chôn lấp”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.

Bất cập giá xử lý rác

Việc đốt hay xử lý rác thải sinh hoạt thành phân vi sinh rất khó thực hiện, tốn nhiều chi phí song hiện nay đơn giá xử lý rác đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn và không mặn mà thực hiện. Mới đây, sau thời gian thử nghiệm và chính thức đưa vào vận hành lò đốt rác, Công ty TNHH Cù Lao Xanh, chủ đầu tư Khu xử lý rác tại xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc đã chủ động tạm ngưng hoạt động. Nguyên nhân được đại diện doanh nghiệp chia sẻ là do nếu tiếp tục đốt rác thải sinh hoạt thì không đủ kinh phí để bù lỗ. Theo lãnh đạo Công ty TNHH Cù Lao Xanh, hiện đơn giá được Sở Tài chính duyệt để công ty đốt rác là 400.000 đồng/tấn. Mỗi ngày doanh nghiệp đốt khoảng 50 tấn rác và thu về 20 triệu đồng. Như vậy, mỗi tháng tiền đốt rác mà doanh nghiệp thu về là 600 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện chi phí tiền điện để vận hành lò đốt đã chiếm hơn 50% nguồn thu. Số còn lại không đủ để trang trải chi phí nhân công, dầu… “Càng đốt thì chúng tôi càng lỗ. Ðể có thể đốt, mức giá phải từ 780.000 đồng đến 800.000 đồng/tấn rác”, đại diện doanh nghiệp kiến nghị.

Tương tự, Phó tổng giám đốc Công ty Ðồng Xanh Nguyễn Văn Cung cho biết, trong đơn giá đấu thầu mà tỉnh Ðồng Nai đưa ra, giá để chôn lấp 1 tấn rác thải sinh hoạt là hơn 300.000 đồng/tấn, xử lý phân vi sinh là 447.000 đồng/tấn và xử lý theo phương pháp đốt là 437.000 đồng/tấn. Ðơn giá trên tồn tại nhiều bất cập, bởi quá trình xử lý rác thành phân vi sinh áp dụng công nghệ phức tạp, chi phí mỗi tấn phải trên 500.000 đồng thì doanh nghiệp mới có lãi. Với việc đốt rác sinh hoạt, đây là loại rác khó đốt do độ ẩm cao, nhiều tạp chất, ngoài ra doanh nghiệp còn phải tuân thủ theo tiêu chuẩn khắt khe của Bộ TN-MT. Ông Cung chia sẻ: “Hiện chúng tôi đang ký hợp đồng đốt rác thải công nghiệp không nguy hại với nhiều công ty với giá hơn 1 triệu đồng/tấn. So với đốt rác công nghiệp không nguy hại, đốt rác sinh hoạt phức tạp hơn nhiều nhưng giá chưa bằng một nữa. Giá này không doanh nghiệp nào thực hiện được”.

Trước phản ánh của các doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Tài chính Lê Văn Thư cho rằng, rất thông cảm với các doanh nghiệp nhưng thực tế quy định hiện chỉ cho mức giá trần như vậy. “Ðể có được giá trần này, chúng tôi cùng các cơ quan chức năng cũng đã họp nhiều lần. Ngoài ra, theo khảo sát tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng chưa có công nghệ xử lý rác nào có giá trên 500.000 đồng/tấn. Ngay cả 11 doanh nghiệp nộp hồ sơ làm điện rác ở Vĩnh Tân, chúng tôi cũng chỉ chấp nhận đơn giá trên 400.000 đồng/tấn”, ông Thư cho hay.

Trước bất cập trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đề nghị Sở Tài chính cùng các cơ quan chức năng xem xét điều chính lại mức giá xử lý theo hướng gỡ khó cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo đúng theo quy định pháp luật. Ðồng thời, Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư lắp đặt thêm hệ thống phân loại rác để tận dụng các nguồn rác tái chế và giảm lượng rác đốt. Từ đó, bù đắp chi phí khi đốt rác.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai

Bản tin ngày 05/03/2018

Ý kiến bạn đọc